Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã và đang hoành hành trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta. Tình hình hiện tại là số lượng bệnh nhân F0 trong những ngày gần đây tăng liên tục. Tuy nhiên, số lượng cơ sở điều trị cho những bệnh nhân này không đáp ứng kịp. Vậy thì những đối tượng F0 có thể được điều trị tại nhà hay không? Và biện pháp chăm sóc những đối tượng này như thế nào?
1. Thế nào là bệnh nhân F0
Trước tiên, chúng ta nên tìm hiểu qua định nghĩa về đối tượng F0. F0 là cách gọi khác, gọi tắt, gọi ngắn gọn những đối tượng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARV-CoV-2. Phương pháp xét nghiệm này được thực hiện thông qua cơ chế phát hiện vật liệu di truyền của virus. Phổ biến nhất hiện nay là xét nghiệm RT-PCR.

Nếu một người có bất kỳ triệu chứng nào trong số các triệu chứng như:
Sốt
Ho khan hoặc có đàm
Đau họng
Khó thở
Mệt mỏi, đau nhức khắp cơ thể.
Giảm/mất vị giác hoặc khứu giác.
Đồng thời từng tiếp xúc gần với những trường hợp bệnh, nghi bệnh, hoặc từng đến vùng dịch trong vòng 14 ngày. Lúc này, người đó nên đến các cơ sở y tế đã được Bộ Y tế cấp phép xét nghiệm virus SARV-CoV-2. Mục đích là để phát hiện sớm và điều trị kịp thời nếu mắc bệnh.
2. Vấn đề điều trị và chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà
2.1. Tình hình chung
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khu vực phía Nam đang không ngừng tăng cường giúp người bệnh tiếp cận y tế một cách nhanh chóng nhất. Đồng thời đề xuất việc giảm tải trong điều trị, giảm tỷ lệ tử vong của những người bệnh F0. Đây là vấn đề vô cùng cấp thiết
Theo Bộ Y tế Việt Nam, gần 80% bệnh nhân nhiễm Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không xuất hiện những triệu chứng rõ ràng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế nước ta vẫn không ngừng cập nhật các phác đồ điều trị. Cũng như đưa ra những văn bản hướng dẫn cách chăm sóc người bệnh F0.

Từ giữa tháng 8 đến nay, Bộ Y tế đã và đang triển khai chương trình thí điểm điều trị F0 tại nhà và tại cộng đồng. Với biện pháp này, việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến sẽ được giảm tải. Người bệnh được điều trị tại nhà, tại cộng đồng sẽ có cảm giác thoải mái và lạc quan hơn.
2.2. Cách chăm sóc F0 tại nhà
Khi được chăm sóc, điều trị tại nhà, tại cộng đồng, người bệnh F0 cần tuân thủ thực hiện những biện pháp sau đây:
- Đeo khẩu trang thường xuyên và liên tục. Ngoại trừ trong những lúc ăn uống, tắm rửa, đánh răng, rửa mặt, súc miệng. Khẩu trang nên được thay hai lần mỗi ngày hoặc những khi cần. Đồng thời sát khuẩn tay bằng cồn trước khi tháo khẩu trang.
- Sát khuẩn tay thường xuyên. Đồng thời sát trùng các vật dụng cũng như những bề mặt tiếp xúc như tay nắm cửa, mặt bàn, bồn cầu, lavabo.
- Thực hiện đo nhiệt độ cơ thể, đo SpO2 (nồng độ oxy trong máu) tối thiểu hai lần mỗi ngày. Hoặc đo ngay khi người bệnh cảm thấy khó thở, nóng sốt.
- Khai báo y tế hàng ngày tối thiểu 01 lần hoặc khi có các dấu hiệu bất thường thông qua ứng dụng “Khai báo y tế điện tử”.
- Ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, uống nhiều nước mỗi ngày.
- Tập thể dục kết hợp với tập hít thở ít nhất 15 phút trong một ngày.

Tất cả những người sống chung nhà với bệnh nhân F0 đều phải khai báo y tế hàng ngày. Những người này phải cập nhật tình trạng sức khỏe của mình thông qua ứng dụng “Khai báo y tế điện tử” tối thiểu 1 lần mỗi ngày hoặc khi cần thiết.
3. Danh sách các loại thuốc cần chuẩn bị khi chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà
Sau đây là danh sách các loại thuốc cần chuẩn bị cho việc chăm sóc F0 tại nhà:
3.1. Thuốc giảm đau, hạ sốt
Các thuốc giảm đau, hạ sốt có thành phần hoạt chất là Paracetamol (Acetaminophen). Chẳng hạn như: Hapacol, Panadol, Tynol, Efferalgan,… Những thuốc chứa thành phần Paracetamol sẽ giúp điều trị triệu chứng sốt, đau nhức do nhiễm Covid-19 gây ra. Theo nhiều nghiên cứu, triệu chứng sốt chiếm tỷ lệ trên 80% ở những bệnh nhân F0.

3.2. Thuốc trị ho
Theo thống kê chung, triệu chứng ho chiếm tỷ lệ khoảng trên 59% những bệnh nhân nhiễm Covid-19. Chính vì vậy, việc chăm sóc F0 tại nhà nên chuẩn bị sẵn thuốc trị ho. Một số thuốc trị ho phổ biến như: Eugica, Acetylcystein, Terpin Codein,…
3.3. Các thuốc bổ sung vitamin A, B, C, D
Mệt mỏi cũng là triệu chứng khá thường gặp ở những bệnh nhân nhiễm Covid-19. Triệu chứng này chiếm tỷ lệ trung bình từ 44 đến 70%. Chính vì vậy, người bệnh nên tăng cường sử dụng các sản phẩm thuốc giàu vitamin. Biện pháp này sẽ giúp người bệnh cảm thấy đỡ mệt hơn. Đồng thời, việc bổ sung vitamin còn giúp người bệnh tăng cường sức đề kháng và nhanh chóng khỏi bệnh.
3.4. Thuốc trị đau dạ dày
Triệu chứng đau dạ dày chiếm tỷ lệ xấp xỉ 7 đến 8% số bệnh nhân F0. Vì vậy, việc chăm sóc F0 tại nhà cũng nên chuẩn bị sẵn nhóm thuốc này. Điển hình là các thuốc như: P vàng, Omeprazole, Buscopan, Ranitidin,…

3.5. Những thuốc trị các bệnh mạn tính
Trong trường hợp người bệnh F0 đang mắc bệnh mạn tính thì vẫn sử dụng những thuốc ấy như mọi ngày. Chẳng hạn như thuốc điều trị tăng huyết áp, suy tim, suy thận, đái tháo đường,…
3.6. Một số loại thuốc khác
Một vài loại thuốc khác có thể được chuẩn bị cho việc chăm sóc F0 tại nhà bao gồm: thuốc kháng viêm Corticoide, Oresol, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc giãn phế quản,…

Và dĩ nhiên, bên cạnh những loại thuốc nói trên thì máy cung cấp oxy là một vật dụng không thể thiếu được. Đôi khi là rất cấp bách và cần thiết đối với những trường hợp F0 trở nặng, suy hô hấp.
Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về cách chăm sóc F0 tại nhà. Cũng như những loại thuốc cần chuẩn bị để cho việc chăm sóc được thuận lợi nhất. Mục đích chủ yếu là để bảo vệ sức khỏe cho người bệnh, người nhà và những người xung quanh.
Nguồn tham khảo:
“Các loại thuốc F0 ở TP.HCM cần có khi cách ly tại nhà”, ngày đăng: 10/08/2021
“Thí điểm điều trị F0 tại nhà: Làm sao để an toàn?”, ngày đăng: 17/08/2021